Chính phủ Hàn Quốc ngày 28/1 đã công bố “Kế hoạch tiêm phòng phòng vắc-xin COVID-19”, với nội dung chính là ưu tiên tiêm phòng cho đội ngũ y bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19, người dân không được lựa chọn chủng loại vắc-xin để tiêm. Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm từ quý I và kết thúc tiêm phòng toàn dân đợt một đến tháng 9, đặt mục tiêu hình thành miễn dịch cộng đồng cho tới tháng 11.
Đối tượng ưu tiên tiêm phòng
Đối tượng ưu tiên tiêm phòng đầu tiên là đội ngũ nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện chuyên điều trị hoặc trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Trước tiên, đội ngũ y bác sĩ thuộc các cơ sở y tế trên địa bàn thủ đô Seoul và địa phương lân cận sẽ tiêm phòng ở trung tâm tiêm phòng trung ương được lập tại Viện Y tế quốc gia (NMC). Sau đó, Chính phủ sẽ thiết lập thêm trung tâm tiêm phòng tại bệnh viện Cheonan Đại học Soonchunhyang (tỉnh Nam Chungcheong), bệnh viện Đại học Chosun (thành phố Gwangju) và Bệnh viện Yangsan Đại học quốc gia Busan (thành phố Busan). Song song với đó, Chính phủ cũng sẽ vận chuyển vắc-xin đến các bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để các cơ sở y tế tự tiến hành tiêm phòng. Trong quý I, sẽ có khoảng 50.000 y bác sĩ được tiêm phòng vắc-xin. Mặc dù chưa rõ nhóm đối tượng này được tiêm phòng vắc-xin nào, nhưng nhiều khả năng là của hãng dược AstraZeneca (Anh), bởi vắc-xin này sẽ được nhập từ quý I thông qua Hội đồng cung cấp vắc-xin quốc tế (COVAX facility). Ngoài đội ngũ nhân viên y tế, trong quý I, Chính phủ cũng sẽ tiêm phòng cho 780.000 người là bệnh nhân hoặc nhân viên các viện dưỡng lão. Việc tiêm phòng sẽ được những cơ sở này tự tiến hành.
Mở rộng tiêm phòng
Từ trung tuần tháng 3, khoảng 440.000 người là đội ngũ nhân viên y tế thuộc các bệnh viện đa khoa tuyến đầu nơi có nhiều bệnh nhân nặng, nhân viên cấp cứu 119, nhân viên kiểm dịch, điều tra viên dịch tễ sẽ được tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Từ quý I, khoảng 8,5 triệu người trên 65 tuổi, và 900.000 người đang cư trú, làm việc tại các cơ sở dễ bị lây nhiễm COVID-19 như cơ sở phúc lợi người cao tuổi, người khuyết tật cũng sẽ được tiêm phòng. Ngoài ra, khoảng 380.000 y bác sĩ, dược sĩ tại các phòng khám, hiệu thuốc sẽ được tiêm phòng từ quý II. Trong quý III, Chính phủ bắt đầu tiêm cho đối tượng là người trưởng thành (19-64 tuổi) và bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, từ quý IV là những người còn lại chưa tiêm. Người dân sẽ không được lựa chọn tiêm loại vắc-xin nào, nếu từ chối tiêm sẽ bị đẩy khỏi thứ tự ưu tiên. Vắc-xin được tiêm phòng miễn phí cho toàn dân, nếu xảy ra tác dụng phụ được công nhận là do tiêm vắc-xin sẽ được Nhà nước bồi thường.
Tình hình lây nhiễm COVID-19 hiện tại và công tác chuẩn bị
Chính phủ Hàn Quốc quyết định thứ tự ưu tiên tiêm phòng như trên sau khi cân nhắc tới việc duy trì hệ thống y tế, phòng dịch, rủi ro bệnh nhân diễn biến nặng, đặc điểm lây lan của virus, với mục đích phòng ngừa virus lây lan trong cộng đồng thông qua các cơ sở có rủi ro lây nhiễm cao, hạn chế số ca tử vong ở mức tối thiểu.
Hiện tại, làn sóng lây nhiễm thứ ba đã bước qua giai đoạn đỉnh dịch (1.000 ca nhiễm/ngày), số ca nhiễm mới liên tục giảm. Tuy nhiên, gần đây lại xảy ra vụ lây nhiễm tập thể liên quan tới một số cơ sở tôn giáo, khiến số ca nhiễm mới lại có chiều hướng gia tăng. Tính đến 0 giờ ngày 27/1, số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 500 ca/ngày, ngày 28/1 ghi nhận 497 ca. Chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành công tác chuẩn bị theo từng giai đoạn, như lập hệ thống quản lý phân phối vắc-xin, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư nhân nhằm đảm bảo số lượng tủ đông bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ cực thấp.