Có thể nói, Việt Nam là 1 dân tộc có mối thiện cảm rất tốt đẹp với người Nhật Bản. Không phải chỉ có thế hệ hôm nay mà từ rất lâu rồi, chúng ta đã phát hiện ra Nhật Bản là 1 tấm gương để chấn hưng đất nước của mình. Cụ Phan Bội Châu và Hoàng thân Cường Để – là một trong những thành viên rất quan trọng của Hoàng tộc nhà Nguyễn đã nhận ra được tấm gương ấy. Trong hoàn cảnh hiện nay, kinh tế thế giới khủng hoảng, đất nước gặp nhiều khó khăn, chúng ta buộc phải có những thay đổi căn bản,quyết liệt. Nhìn nhận lại những bài học từ Nhật Bản là 1 việc giúp chúng ta có cái nhìn thực tiễn để bắt đầu cho 1 sự đổi mới sâu sắc và toàn diện.
I. Học tính quyết liệt trong cải cách đời sống chính trị
Người Nhật có những đặc tính, những cách thức, và những ưu điểm mà 1 dân tộc muốn phát triển không thể không có những thứ đó. Có thể nói, lịch sử hiện đại hoá nền chính trị hay nền kinh tế và nền văn hóa Nhật Bản được tiến hành gần như song song hay nếu có chậm thì chỉ chậm hơn 1 chút so với việc thống nhất nước Mỹ. Còn ở Việt Nam chúng ta thì mặc dù có Tự Đức là 1 vị vua tương đối tích cực, ông cũng có ý thức nhất định về việc đổi mới nền chính trị của đất nước, nhưng những đổi mới của ông mới chỉ là những dấu hiệu của cải tiến về hình thức chứ chưa đạt đến sự thay đổi về bản chất. Trong lúc đó, vua Minh Trị của Nhật Bản đã làm những cuộc cải cách lớn và triệt để cho nền chính trị nước Nhật . Từ những cuộc cải cách này,mà Nhật Bản nhanh chóng vươn lên thành 1 cường quốc của thế giới. Đấy là 1 minh chứng cho thấy rằng chúng ta phải mạnh dạn nói rằng Việt Nam muốn ra khỏi tình trạng lạc hậu như hiện nay thì không có cách gì ngoài cách cải cách chính trị. Vì vậy, học người Nhật trước hết là học tính quyết liệt trong cải cách đời sống chính trị, học được sự dũng cảm của người Nhật trong cải cách chính trị theo chiều hướng thừa nhận dân chủ.
Cải cách chính trị là 1 động lực quan trọng nhất, cơ bản nhất, nền tảng nhất và quyết định nhất đối với toàn bộ tiến trình phát triển,và phải cải cách chính trị theo chiều hướng dân chủ hoá 1 cách hợp lý. Tại sao chúng tôi lại dùng chữ “hợp lý”? Bởi vì đó là 1 việc đòi hỏi đầu tư rất tốn kém. Để có được nền chính trị tiên tiến, đầu tiên chúng ta phải đầu tư vào giáo dục, đầu tư vào việc xây dựng các thể chế và đầu tư vào việc cải cách các cơ sở hạ tầng cơ bản. Tất cả những việc ấy đều rất tốn kém cho nên chúng ta không thể làm ồ ạt được. Làm cho tiên tiến 1 khu vực nhưng trong khi đó không đầu tư thoả đáng để làm tiên tiến các khu vực khác thì các khu vực được ưu tiên ấy trở thành miếng mồi xâu xé và có thể nó còn gây mất đoàn kết của xã hội.
Có nhiều người cho rằng, trong khi cải cách chính trị là cải cách ở tầng trên và bao giờ cũng chậm hơn ở dưới thì những người dân phải biết lách luật để tạo ra những điều kiện cho sự thay đổi từ dưới lên, VD khoán 10 là cách lách luật của người nông dân. Nhưng tôi cho rằng, đối với thân phận của 1 dân tộc, giải pháp phải có chiều dài lịch sử thoả đáng và phải dựa trên những nguyên lý triết học thoả đáng. Không thể tạo ra 1 lộ trình phát triển ổn định của 1 dân tộc bằng cách nhặt các yếu tố hợp lý mà nhân dân nghĩ ra. Những sự lách luật như vậy có thể đạt được 1 số kết quả có tính chất thực dụng, nhưng nó tàn phá nền văn hoá tôn trọng nhà nước và pháp luật, nó tạo ra 1 xã hội cơ hội và vô kỷ luật. Nó biến nhà nước trở thành 1 kẻ chờ đợi sáng kiến xã hội và cung cấp 1 dịch vụ để hợp pháp hoá những cái đó, và người ta gọi đấy là thành tựu chính trị. Làm sao gọi những thành tựu được tạo ra trong trạng thái vô chính phủ của đời sống xã hội là tiến bộ xã hội được chứ? Nếu chúng ta tự hào về việc ấy thì chính chúng ta tự xác nhận mình chính là những kẻ phản tiến bộ. Tại sao chúng ta lại có 1 hệ thống chính sách để chúng ta phải lách nó ? Tại sao sự tiến bộ của chúng ta lại phải được tạo ra bằng cách phá vỡ những kỷ luật nhà nước ? Nếu ta xét về phương diện lý thuyết thì đấy là những giải pháp hoàn toàn không có giá trị khái quát. Bởi đem so những lợi ích thu được từ việc lách luật cùng với sự tàn phá hiệu lực của nhà nước, cái nào là cái quan trọng hơn? Một dân tộc trên quy mô là nhà nước cũng như trên quy mô là các bộ phận nhân dân mà được đào tạo trong những tình huống vô kỷ luật như thế thì nó phá vỡ tiêu chuẩn cao nhất của lịch sử phát triển văn minh nhân loại ,đó là sự tôn trọng các trật tự ở công cộng. Vì vậy, cải cách chính trị không phải được tiến hành bằng những sự lách luật, nó phải được hoạch định trên cơ sở các nghiên cứu khoa học và những mục tiêu cụ thể.
Nhiều người e ngại thừa nhận dân chủ thì mất dần giá trị và bản sắc của nền văn hoá của mình và mất cả quyền lãnh đạo của mình. Đó chính là sự suy nghĩ của những kẻ lười nhác.
Chúng ta đã thấy người Nhật Bản không hề mất gì. Người Nhật trở thành 1 quốc gia phát triển nhờ sự dân chủ hoá xã hội của họ. Nếu không xác định được mục tiêu của sự cải cách chính trị ở nước ta là để dẫn tới dân chủ thì mọi cuộc cải cách, mọi sự đổi mới đều không có ý nghĩa gì . Dân chủ chính là xác lập những quy tắc 1 cách công khai để kiểm soát quyền lực của nhà nước, bởi vì nếu nhà nước mà có quyền lực tuyệt đối thì mọi cố gắng đều không thể mang lại sự thay đổi nào đáng kể mà chỉ để giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt trước mắt mà thôi.
II. Học cách tổ chức một xã hội nề nếp
Trong xã hội chúng ta hiện nay, có 1 số ý kiến mặc định rằng đặc tính của người Việt Nam là quá tự do, không chịu chấp hành quy tắc và khi bị chỉ trích, người Việt Nam ta thường phản ứng trước mà không chịu lắng nghe. Trong khi đấy đặc tính của người Nhật là rất quy chuẩn và luôn luôn tuân thủ nguyên tắc. Với những đặc điểm này, phải chăng sẽ rất khó để người Việt chúng ta áp dụng được những bài học của người Nhật Bản. Tôi không nghĩ thế. Chúng ta đã có những người Việt viết hoa và chúng ta đã có những người Việt có giá trị. Nếu tiếp xúc với các thế hệ trí thức được đào tạo vào những năm 30 của thế kỷ trước, thì bất kỳ ai cũng có thể thấy đấy là những mẫu mực về nhân cách. Trong gia đình người Nhật, những hành động từ lúc ăn cơm cho đến lúc đi ngủ, lúc ngủ dậy hay lúc uống trà, đều có các tiêu chuẩn văn minh của nó. Chúng ta đã từng có 1 nền văn minh đòi hỏi chất lượng các dịch vụ: chất lượng dịch vụ làm con, chất lượng dịch vụ làm cha hay chất lượng dịch vụ làm mẹ, chất lượng dịch vụ làm vợ, chất lượng dịch vụ làm quân cùng chất lượng dịch vụ làm quan. Dĩ nhiên nó cũng thay đổi cùng với thời gian và đặc biệt vào thời kỳ sau này, nó thay đổi với tốc độ tha hoá nhanh chóng.
Học ở người Nhật, chúng ta phải học tính cội rễ của họ trong cải cách chứ không phải học việc lắp ráp những yếu tố có vẻ hợp lý vào trong thời điểm hiện nay. Học người Nhật là học cách tổ chức ra nền tự do trong những điều kiện mà nó không xâm hại và không làm biến mất những đặc trưng văn hoá. Tự do chính là công nghệ để trả lại cho con người những năng lực hình thành những nhân cách thoả đáng với tương quan giữa họ và các dân tộc khác trên thế giới. Người Nhật biết tổ chức ra tự do trong điều kiện văn hoá của họ và họ đã thành công. Người Nhật là 1 trong những dân tộc thông minh để giữ được mình mà vẫn tự do, đấy là kinh nghiệm lớn nhất. Và những kinh nghiệm của người Nhật chỉ cho chúng ta thấy ra rằng, tự do không tàn phá bất kỳ phẩm hạnh nào hay đặc tính nào của bất kỳ dân tộc nào, tự do chỉ xúc tiến để những đặc tính ấy hay phẩm hạnh ấy đạt đến ngưỡng phát triển của nó 1 cách tự nhiên.